Chầu Mười Đồng Mỏ là vị thánh chầu thứ mười trong hàng Tứ phủ Thánh chầu, đứng sau Chầu Chín Cửu Tỉnh, cũng giống như Chầu Tám Bát Nàn, Chầu Mười Đồng Mỏ là vị nữ tướng anh linh hiển hách nhất vùng Lạng Sơn. Tên gọi Đồng Mỏ được lấy từ địa danh nơi chầu đã lập được nhiều chiến công hiển hách trong công chiến đấu trấn giữ bảo vệ bờ cõi trước quân xâm lược nhà Minh.
Sự tích Chầu Mười Đồng Mỏ là con gái tù trưởng ở đất Đồng Mỏ
Sinh thời Chầu giỏi võ và kiếm cung, khi vua Lê Thái Tổ hiệu triệu toàn dân đánh giặc, chầu đã chiêu binh ra sức giúp triều đình. Sau khi giặc tan triều đình phong công, trấn giữ vùng Mỏ Ba, lúc thanh bình chầu lại giúp dân lập ấp tế trợ cứu bần. Đến mùa thu Chầu mãn hạn về tiên. Triều đình phong tặng anh hùng liệt nữ, tiếng Chầu anh linh biến hiện khắp Bắc Trung Nam xa gần nô nức trảy hội Mỏ ba. Chầu được Mẫu sắc phong Khâm Sai tứ phủ là một trong những vị Chầu tối linh được nhân dân và con nhang đệ tử loan giá phụng thờ.
Sự tích Chầu Mười Đồng Mỏ dưới thời Lê Thái Tổ Trung Hưng khởi binh chống giặc
Theo tích này thì Chầu Mười vốn là người Tày, dưới thời vua Lê Thái Tổ Trung Hưng khởi binh chống giặc. Chầu sinh quán trong một gia đình có truyền thống đao cung võ nghệ bao đời trên đất Mỏ Ba (nay là Đồng Mỏ), Chi Lăng, Lạng Sơn. Lớn lên chầu lẫm liệt oai phong trở thành vị nữ tướng tài ba, tập hợp dân các dân tộc ở đất Đồng Mỏ, giúp vua Lê đánh đuổi giặc Minh mưu đồ xâm lấn nước Nam ta. “Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu. Hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó”, nàng chiêu mộ binh sĩ, rèn đúc giáo gươm quyết phò Lê Lợi diệt giặc cứu khổ muôn dân. Vua rất tin tưởng, giao cho chầu trấn giữ các châu, nơi cửa ải Chi Lăng. Năm ấy trận Chi Lăng, Xương Giang trăm bề gian khó nhưng vị nữ nhi vẫn xả thân chiến trường, một đao một ngựa giao chiến chầu lập công chém đầu Liễu Thăng. Kháng chiến thắng lợi, chầu được vua phong công, giao cho cai quản vùng Mỏ Ba, Đồng Mỏ, trấn giữ ải Chi Lăng. Tại vùng Mỏ Ba, ba giúp dân lập xóm ấp làng bản, dạy dân làm ăn, được già trẻ xa gần ai ai cũng mến phục. Đến cuối mùa thu thì chầu về tiên.
Đền thờ Chầu Mười Đồng Mỏ ở đâu
Đền Chầu Mười Đồng Mỏ được lập ngay sát cửa ải Chi Lăng, nơi chầu trấn giữ năm xưa, chính thờ là Đền Chầu Mười Đồng Mỏ hay Mỏ Ba Linh Từ – ngôi đền nổi tiếng xứ Lạng thờ phụng Chầu Mười thuộc xã Mỏ Ba, thị trấn Đồng Mỏ, Chi Lăng, Lạng Sơn.
Chầu Mười Đồng Mỏ khi giá ngự về đồng
Chầu Mười thường hay loan giá ngự đồng trong các dịp tiệc vui hoặc tại các cửa đền ở đất Lạng Sơn. Khi ngự đồng, chầu thường mặc áo vàng, đầu đội khăn vàng cuốn chữ nhân, ra tay dấu 10 ngón, lưng đeo cờ lệnh. Sau lễ khai quang dân hương, chầu một tay múa kiếm, tay kia múa cờ lệnh như là khi chầu xông pha nơi trận mạc.
Tiệc Chầu Mười Đồng Mỏ
Hàng năm vào ngày 1 tháng 10 âm lịch, du khách xa gần đã bắt đầu hành hương về Đền Mỏ Ba nhân tháng tiệc chầu Mười Đồng Mỏ. Tuy nhiên để trả lời cho câu trả lời chính tiệc chầu Mười là ngày nào thì còn nhiều ý kiến khác nhau.
Theo huyền tích Chi Lăng, Xương Giang thì ngày tiệc của Chầu là vào 20/9. Còn theo một số tài liệu khác như sử nhà Lê thì ngày tiệc của Chầu là ngày 20/10, có nơi là 10/11.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ở đây có ghi lại trận chiến Chi Lăng vào ngày 20/9, cũng trùng khớp với trận đánh mà Chầu hi sinh, và cũng trùng với thời điểm cuối thu trong bản văn Chầu Mười đã viết: “Cuối thu mãn hạn về tiên – Nhân dân kỷ niệm lập đền Mỏ Ba”, như vậy thì ngày tiệc chính của Chầu Mười vào ngày 20/9 có thể cho là hợp lý nhất.